Bố già của nghệ thuật nhiếp ảnh đường phố: Daido Moriyama

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi được cho xem ảnh của Daido Moriyama bởi một người bạn. Tôi cũng nhớ rõ những gì bạn tôi nói về Daido: bậc thầy của những tấm ảnh trắng đen tương phản.

untitled-by-daido-moriyama
Không đề (1969, Daido Moriyama) Nguồn: artsy.net

Lần đầu xem ảnh của Daido Moriyama, suy nghĩ trong tôi là “nghệ thuật gì đây?”. Những tấm ảnh dường như là một mớ hỗn độn của chó mèo, đàn ông, đàn bà, già trẻ,… những tấm chụp vội đầy ngẫu nhiên không chủ đích. Hầu hết những ảnh của Daido không gợi lên niềm cảm hứng và nói thật khi ấy, với tôi nó khá chán.

Nhưng rồi thời gian trôi qua, những hình ảnh tôi đã xem của Daido ngày càng đậm nét hơn trong tâm trí. Lúc ấy tôi không hề biết ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh đường phố vĩ đại nhưng tôi đã bắt đầu yêu những góc nhìn trong ảnh của ông. Không chỉ vậy, Daido sau đó còn truyền cảm hứng cho tôi vì sự hiếu kỳ trước cuộc sống và nhiếp ảnh như một cách để ghi lại rằng “thế giới thực” tuyệt vời đến như thế nào.

Moriyama__
Cậu bé ở Miyagi (1973) Nguồn: loeildelaphotographie.com

Sinh ngày 10 tháng 10 năm 1938 tại thành phố Ikeda (Osaka), đến nay Daido Moriyama được biết đến như là một nhiếp ảnh gia quan trọng của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến. Hơn 50 năm chụp ảnh, chủ đề của ông là mô tả một nước Nhật với những giá trị truyền thống vụn vỡ sau chiến tranh, những con người kỳ lạ của thế hệ hậu chiến, những mất mát, sụp đổ và tái thiết để thành hình nước Nhật. Một đời sống của những kẻ bại trận và sự xâm lược của những giá trị tư bản Tây phương: chủ nghĩa tiêu thụ, khoảng cách của sự nghèo hèn & xa hoa, những hậu chấn thương tâm lý và những giá trị cổ điển bị đẩy lùi vào hoang tàn quá khứ.

20170516001053
Nguồn: Daido Moriyama
20170516001925
Nguồn: Daido Moriyama
Eros-Or-Something-Other-Than-Eros-1969
“Eros Or Something Other Than Eros” (1969). Nguồn: artsy.net

Moriyama___

Câu chuyện của ông bắt đầu vào năm 1968. Các cuộc nổi dậy chống lại người Anh ở Bắc Ireland, sinh viên biểu tình ở Đức, phong trào quyền lực đen tại Thế vận hội mùa hè và biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trên toàn cầu, như vậy, mọi người đều có một điều gì đó để đấu tranh trong năm 1968.

Nhật Bản cũng không là ngoại lệ.

Năm 1968, các công dân Nhật Bản thể hiện sự phẫn nộ của họ đối với các hạn chế chính trị – xã hội thông qua phong trào Chủ nghĩa Cộng sản vô chính phủ “Zen Kyoto” đang thành hình lúc bấy giờ. Theo sau phong trào, tạp chí PROVOKE – một tạp chí nhiếp ảnh thể nghiệm với số lượng bản in rất ít, chủ yếu tập trung vào các quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống – đã ra đời. Nổi bật trong ấn bản thứ hai của tạp chí PROVOKE là Daido Moriyama với những sáng tạo hình ảnh đen trắng tương phản đậm, luôn bị mất nét và không tuân theo một nguyên tắc nhiếp ảnh hàn lâm nào so với các bức ảnh đương thời. Kể từ đó, Moriyama đã dành toàn bộ cuộc đời để tiên phong trong thẩm mỹ nhiếp ảnh độc đáo của mình – một phong cách trái ngược hoàn toàn với các phương pháp truyền thống của nhiếp ảnh. Ông khám phá mặt tối của cuộc sống đô thị, Moriyama luôn thích tập trung vào những con phố tồi tàn ít được biết đến ở Tokyo và ông biến Nhật Bản trở thành một nơi lôi cuốn và lạ lùng nhất.

Sở thích của ông là cầm chiếc máy ảnh Ricoh GR, đi bộ không biết mệt quanh Tokyo, nơi ông hay đến chụp hình là quận Shinjuku. Ông cứ đi, đi không mệt mỏi, từ lúc Mặt trời mọc đến khi màn đêm buông xuống, đi từ mùa thu sang đông, đi từ cay đắng đến ngọt ngào, từ sụp đổ đến tái sinh, đi từ tuổi thanh xuân đến những năm tháng đầu bạc để nhìn đất nước của chính mình, nhìn những đam mê của con người, sự hoài nghi thế giới, sự buồn chán của những tiêu cực kim tiền, sự lừa dối của con người, các giá trị nhân văn còn sót lại và hòa quyện vào cuộc sống, của sự thay đổi văn hóa, của dòng chảy thời gian trên da thịt mình. Trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới chưa từng có nhiếp ảnh gia nào miệt mài và chăm chỉ đến như vậy.

Ông có một bức ảnh vô cùng nổi tiếng tên là Chó hoang ở Misawa (chụp năm 1971 trước một khách sạn nơi ông ở) và sau đó ông tự ví mình như một con chó hoang không nhà không cửa, đi mãi trên những phố phường trong hơn 50 năm, một con chó hoang không có phương hướng đi lang thang qua khắp các con phố nhìn thế giới bằng đôi mắt đầy bản năng nguyên sơ.

Daido-Moriyama.-Stray-Dog-alexcoghe.com_
Chó hoang ở Misawa (Aomori, 1971) Nguồn: alexcoghe.com

Những bức ảnh mờ nhòe và mất nét, chói lòa bởi những tia sáng, hạt và độ bão hòa quá mức đã tạo nên một mớ hỗn độn hoàn hảo của một sự hỗn độn có tổ chức khi những tấm ảnh được xếp gần nhau. Đối với Daido Moriyama, nhiếp ảnh là nhiếp ảnh, nhiếp ảnh không phải là chuyện máy ảnh thường, máy ảnh xịn. Từ những ngày mới bắt đầu chụp ảnh đến ngày trở thành một tượng đài, Moriyama dường như chưa từng mua một chiếc máy ảnh nào, máy ảnh hầu như ông đi mượn và chiếc Ricoh GR mà ông dùng lại là món quà ông được bạn tặng cho. “Ông biến máy ảnh thành nô lệ của mình chứ không phải trở thành tín đồ của những chiếc máy ảnh” – Nobuyoshi Araki, một nhiếp ảnh gia “khét tiếng”, đã nhận xét về Moriyama.

Nhiếp ảnh là nhiếp ảnh, nhiếp ảnh không phải là máy ảnh.

Tất nhiên bạn cần máy ảnh. Nếu bạn muốn viết một bức thư tình lãng mạn, bạn cần công cụ để viết nó. Nhưng bút chì hoặc bút bi đều tốt cả. Máy ảnh không phải vấn đề trong nhiếp ảnh, và ông ấy là người tiên phong làm rõ chuyện ấy.” (Araki nhận xét về Moriyama, năm 2001)

Điều này khiến người viết nhớ về một câu nói của Man Ray (nhiếp ảnh gia người Mỹ, dành phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của mình ở Pháp đến nỗi có người tưởng lầm Man Ray là người Pháp) cũng từng nói: “Người ta hỏi tôi “Ông dùng máy ảnh hiệu gì vậy?” Tôi đáp “Đừng có hỏi tác giả để viết ra sách hay nên dùng loại máy đánh chữ nào, bạn tôi”.”

Cho dù trọng tâm của ống kính Moriyama là gái mại dâm hay những băng đảng Tokyo, hành khách trên tàu điện ngầm, cái sọ của một người hay con chó hoang, ông luôn khiến người xem tranh của mình cảm thấy dường như họ đã từng ở trong một khung cảnh từa tựa như vậy, họ đã từng có những ký ức như vậy, những ánh sáng và tuổi thơ ở những khung cảnh đó, đã đi qua nó và không biết là họ có để ý hay không.

20170516000404
Nguồn: Daido Moriyama
Daido-Moriyama-_
“Nghệ sĩ trên sân khấu”, 1967 Nguồn: pinterest.com
Daido-Moriyama-loeildelaphotographie.com_
Tokyo, 1978. Nguồn: loeildelaphotographie.com

 

 

Tokyo-2005-by-daido-moriyama
“Tokyo” (2005), nguồn: artsy.net

 

 

 

4296879_STOCKING

 

-Bài viết: Quốc Bảo

Ảnh: daidomoriyama.com, artsy, pinterest, loeildelaphotographie

Bình luận về bài viết này